Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Đáp án chi tiết đề thi HSG vật lý 12 Nghệ An năm học 2024 - 2025 - Bảng A - Phần tự luận

Kỳ thi học sinh giỏi Vật lý 12 Nghệ An năm học 2024 - 2025 đã mang đến những thử thách đầy thú vị và hấp dẫn cho các bạn học sinh yêu thích môn Vật lý. Với bài thi bảng A - phần tự luận, các dạng bài toán không chỉ kiểm tra kiến thức sâu rộng mà còn đòi hỏi tư duy sáng tạo và khả năng áp dụng linh hoạt các định luật vật lý.
Trong bài viết này, chúng tôi cung cấp đáp án chi tiết và giải thích cụ thể cho từng câu hỏi trong đề thi HSG vật lý 12 Nghệ An năm học 2024 - 2025 - Bảng A - Phần tự luận. Đây sẽ là nguồn tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh ôn tập, học hỏi cách trình bày và phân tích vấn đề. Đồng thời, bài viết cũng là tham khảo quan trọng dành cho giáo viên trong quá trình hướng dẫn học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới.
Hãy cùng khám phá ngay để nắm chắc cách giải và cải thiện kỹ năng làm bài của bạn!

Đáp án chi tiết đề thi HSG vật lý 12 Nghệ An năm học 2024 - 2025 - Bảng A - Phần tự luận


Câu I. Giao thoa ánh sáng (2,0 điểm)

a) Bước sóng ánh sáng
Khoảng vân \begin{align} i&=\frac{\Delta x_6}{5}\\ &=\frac{18}{5}\\ &=3.6\ \text{mm} \end{align} Từ công thức khoảng vân $i=\frac{\lambda D}{a}$ suy ra bước sóng \begin{align} \lambda&=\frac{a i}{D}\\ &=\frac{0.15\cdot3.6}{0.75}\\ &=0.744\ \text{μm} \end{align}

b) Độ dịch chuyển của màn
Khoảng vân không đổi nên, nếu giảm $a$ thì $D$ cũng giảm, màn phải được dịch chuyển về phía hai khe. Tuân theo phương trình $$ i=\frac{\lambda\left(D-\Delta D\right)}{a_2}\\ $$ \begin{align} \Rightarrow \Delta D&=D-\frac{a_2 i}{\lambda}\\ &=0.75-\frac{0.1\cdot 3.6}{0.744}\\ &=0.258\ \text{m} \end{align}

Câu II. Điện trường (3,0 điểm)

a) Dấu điện tích của các bản và độ lớn của $\vec{v}_0$.
Từ đồ thị ta thấy tốc độ của hạt giảm khi di chuyển từ M đến N, chứng tỏ lực điện $\vec{F}$ có hướng từ N đến M. Do hạt mang điện tích âm nên hướng của điện trường giữa hai bản $\vec{E}$ ngược hướng với lực $\vec{F}$, tức là hướng từ M đến N. Điều này giúp ta khẳng định M tích điện dương, N tích điện âm.
Cũng theo đồ thị, tại khoảng cách $x_0=5\ \text{cm}$ hạt có tốc độ $v_0$, tại khoảng cách $x_1=1\ \text{cm}$ tốc độ bằng không. Áp dụng định lí động năng có thể vắn tắt là, độ lớn công cản của điện trường $\left|qE\left(x_1-x_0\right)\right|$ bằng động năng ban đầu của hạt $\frac{1}{2}mv_0^2$, $$\left|qE\left(x_1-x_0\right)\right|=\frac{1}{2}mv_0^2$$ Trong đó $E=\frac{U}{d}$, suy ra \begin{align} v_0&=\frac{2\left|qU\left(x_1-x_0\right)\right|}{md}\\ &=\frac{2\left|3.2\cdot10^{-6}\cdot500\left(1-5\right)\cdot10^{-2}\right|}{3.2\cdot10^{-6}\cdot0.1}\\ &=400\ \text{m/s} \end{align}

b) Độ giảm tối thiểu hiệu điện thế để hạt đến được N.
Hiệu điện thế bằng $U-\Delta U$ thì động năng tại khoảng cách $x=0$ bằng không, tức là $$\left|q\frac{U-\Delta U}{d}\left(0-x_0\right)\right|=\frac{1}{2}mv_0^2$$ Và nhớ rằng chúng ta đã có $$\left|q\frac{U}{d}\left(x_1-x_0\right)\right|=\frac{1}{2}mv_0^2$$ Suy ra $$ \left|\left(U-\Delta U\right)\left(0-x_0\right)\right|=\left|U\left(x_1-x_0\right)\right| $$ \begin{align} \Delta U&=\frac{U}{5}\\ &=100\ \text{V} \end{align}

c) Tốc độ lớn nhất của các viên bi.
Khối tâm của hệ 3 viên bi nằm tại điểm nối 3 thanh. Ngoại lực tác dụng lên khối tâm của hệ chính là tổng hợp các lực điện do điện trường của hai bản tác dụng lên 3 viên bi $$ \vec{F}=q_0\vec{E}+q_0\vec{E}-2q_0\vec{E}=\vec{0} $$ Tức là khối tâm của hệ đứng yên, các viên bi chỉ thực hiện chuyển động quay quanh khối tâm này. Ta áp dụng định luật bảo toàn năng lượng cho hệ 3 viên bi trong trường tĩnh điện. Chọn mốc thế năng là mặt phẳng song với các bản, cách đều các bản.
Ban đầu hệ đứng yên nên động năng bằng không, (3) nằm ở mốc thế năng năng thế năng của (3) bằng không, (1) và (2) nằm đối xứng qua mốc thế năng nên tổng thế năng của chúng cũng bằng không. Tốm lại tổng động năng và thế năng ban đầu của hệ bằng không. Tại thời điểm nào đó, khi các thanh đã quay ngược chiều kim đồng hồ được một góc $varphi$ động năng quay và thế năng của chúng lần lượt là \begin{align} W_\text{đ}&=\frac{1}{2}I\omega^2\\ &=\frac{1}{2}3m\ell^2\left(\frac{v}{\ell}\right)^2\\ &=\frac{3}{2}mv^2 \end{align} \begin{align} W_\text{t}&=-2q_0E\ell\sin{\varphi}+q_0E\ell\sin{\left(\varphi+\frac{2\pi}{3}\right)}+q_0E\ell\sin{\left(\varphi-\frac{2\pi}{3}\right)}\\ &=-3q_0E\ell\sin{\varphi} \end{align} Năng lượng được bảo toàn nên $$ \frac{3}{2}mv^2-3q_0E\ell\sin{\varphi}=0\\ $$ Tất nhiên là hệ chỉ qua được trong phạm vi sao cho $\sin{\varphi}\gt 0$. Khi đó tốc độ của mỗi viên bi là $$ v=\sqrt{\frac{2q_0E\ell}{m}\sin{\varphi}}\\ v_\text{max}=\sqrt{\frac{2q_0E\ell}{m}} $$

Câu III. Điện - Cơ (3,0 điểm)

a) Tốc độ thoát ra của các ion.
Ion $\text{Xe}^+$ là nguyên tử thiếu 1 electron, ion này mang điện tíc dương $e=1.6\cdot10^{-19}\ \text{C}$. Ta áp dụng định lí động năng cho mỗi ion \begin{align} \frac{1}{2}mv^2&=eU\\ v&=\sqrt{\frac{2qU}{m}}\\ &=\sqrt{\frac{2\cdot 1.6\cdot10^{-19}\cdot13000}{2.18\cdot10^{-25}}}\\ &\approx1.38\cdot 10^5\ \text{m/s} \end{align}

b) Lực đẩy của động cơ.
Ta áp dụng định luật II Newton dạng thứ hai: $$ F=\frac{\Delta p}{\Delta t} $$ Trong thời gian $t=1\ \text{ngày}=86400\ \text{s}$, có tổng cộng $m=0.1\ \text{kg}$ Xenon được tiêu thụ tức là có $m=0.1\ \text{kg}$ Xenon phụt ra khỏi động cơ với vận tốc $v=1.38\cdot 10^5\ \text{m/s}$, tạo ra phản lực trung bình lên động cơ \begin{align} F&=\frac{mv}{\Delta t}\\ &=\frac{0.1\cdot 1.38\cdot 10^5}{86400}\\ &\approx0.16\ \text{N} \end{align}

b) Cường độ dòng điện do các ion thoát ra và công suất tiêu thụ của động cơ.
Cường độ dòng điện được tính theo định nghĩa $$ I=\frac{\Delta q}{\Delta t} $$ Trong đó điện lượng $\Delta q$ bằng tổng điện tích của $N$ hạt ion xenon phụt ra khỏi động cơ trong thời gian $\Delta t=86400\ \text{s}$ (1 ngày). \begin{align} N&=\frac{m}{m_0}\\ I&=\frac{\frac{m}{m_0}\cdot e}{\Delta t}\\ &=\frac{\frac{0.1}{2.18\cdot10^{-25}}\cdot 1.6\cdot10^{-19}}{86400}\\ &\approx0.85\ \text{A} \end{align} Năng lượng mà động cơ sử dụng để tạo ra và đẩy khối khí xenon ra ngoài bao gồm năng lượng ion hóa khí xenon và công của lực điện trường đẩy khí từ cực dương đến cực âm: $$ W=NE+UI\Delta t $$ Công suất tiêu thụ của động cơ \begin{align} P&=\frac{W}{\Delta t}\\ &=\frac{NE+UI\Delta t}{\Delta t}\\ &=\frac{NE}{\Delta t}+UI\\ &=\frac{mE}{m_0\Delta t}+UI\\ &=\frac{0.1\cdot12.13\cdot1.6\cdot10^{-19}}{2.18\cdot10^{-25}\cdot86400}+1300\cdot0.85\\ &=1115.3\ \text{W} \end{align}

Câu IV. Vật lí nhiệt (4,0 điểm)

a) Giải thích sự dính cảu các viên nước đá vào tay.
+ Nhiệt độ bề mặt nước đá rất thấp nên khi bạn chạm tay vào cục nước đá, lớp nước rất mỏng (gồm mồ hôi hoặc hơi nước từ không khí) ở trên bề mặt da tay nhanh chóng truyền nhiệt lượng cho viên nước đá và đóng băng, tạo ra một lớp băng mỏng kết dính giữa da và viên nước đá.
+ Nước đá có tính chất kết dính rất tốt với các bề mặt, đặc biệt là da. Điều này xảy ra do liên kết hydro mạnh giữa phân tử nước trong nước đá và các phân tử trên bề mặt da.
+ Khi giữ cục nước đá bằng tay, áp suất từ tay tạo ra làm tăng khả năng tiếp xúc chặt chẽ hơn giữa da và bề mặt nước đá, thúc đẩy quá trình đông cứng.

b) Nhiệt nóng chảy riêng của nước đá.
Gọi $P$ là công suất hấp thụ năng lượng Mặt trời của túi nước đá, $m$ là khối lượng nước đá và $\lambda$ là nhiệt nóng chảy riêng của nước đá. Ta có \begin{align} mC_\text{đ}\cdot40&=PT_1\\ m\lambda&=P\left(5T_1-T_1\right)\\ \Rightarrow \lambda&=160C_\text{đ}\\ &=3.36\cdot 10^5\ \text{J/kg} \end{align}

c) Giá trị của góc $β$.
Phương trình đoạn thẳng có góc $\alpha$ là $$ mc_\text{đ}\left(t+40\right)=PT\\ t=\frac{P}{mc_\text{đ}}T-40 $$ Hệ số góc $\tan{\alpha}=\frac{P}{mc_\text{đ}}$. Phương trình đoạn thẳng có góc $\beta$ là $$ mc_\text{n}t=P\left(T-5T_1\right)\\ t=\frac{P}{mc_\text{n}}T-\frac{5T_1}{mc_\text{n}} $$ Hệ số góc $\tan{\beta}=\frac{P}{mc_\text{n}}$. Suy ra \begin{align} \tan{\beta}&=\frac{c_\text{đ}}{c_\text{n}}\tan{\alpha}\\ &=\frac{2100}{4200}\tan{75^\text{o}}\\ \Rightarrow \beta=61.8^\text{o} \end{align}

c) Tổng nhiệt lượng mà nước và nước đá nhận được từ khi cho vào các bình đến khi cân bằng nhiệt.
Gọi khối lượng nước đổ vào bình A là $m_1$ và khối lượng nước đá bỏ vào bình B là $m_2$ thì chúng có biểu thức $$ m_1+0.3=m_2+0.9\\ m_1-m_2=0.6 $$ Nhiệt độ của cả hai phần này khi tách đều bằng $0\ ^\circ\mathrm{C}$ nên phương trình cân bằng nhiệt của chúng là $$ m_1C_\text{n}\cdot10=0.3C_\text{n}\left(t_\text{AB}-10\right)\\ m_2\lambda+m_2C_\text{n}\cdot10=0.9C_\text{n}\left(t_\text{AB}-10\right)\\ \frac{m_1}{m_2}=\frac{\lambda+10C_\text{n}}{3\cdot10C_\text{n}} $$ Kết hợp hiệu và tỉ số hai khối lượng ta tính được $$ m_1=0.9\ \text{kg}\\ m_2=0.3\ \text{kg} $$ Tổng nhiệt lượng mà chúng nhận được từ bình A và B \begin{align} Q&= m_1C_\text{n}\cdot10+m_2\lambda+m_2C_\text{n}\cdot10\\ &=1.2\cdot42000+0.3\cdot3.36\cdot10^5\\ &=386400\ \text{J} \end{align}



Nguyễn Đình Tấn - Giáo viên vật lý - Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp - Quảng Bình

#ĐềHSGlý12năm2025,#ĐềHSGlý12năm20242025,#ĐềHSGlý12mới

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Đáp án của Đề thi HSG vật lí 12 năm học 2024 - 2025 (Đề tham khảo dựa theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Quảng Bình) - Vòng thi tự luận

Bạn đã thử sức với đề thi tham khảo HSG Vật lý lớp 12 năm học 2024-2025 và muốn kiểm tra lại kết quả? Bài viết này sẽ mang đến cho bạn đáp án chi tiết từng câu hỏi, kèm theo phân tích và hướng dẫn giải cụ thể. Đây không chỉ là cơ hội để bạn so sánh đáp án, mà còn giúp bạn nắm vững phương pháp làm bài, tự tin đối mặt với kỳ thi học sinh giỏi Vật lý lớp 12 cấp tỉnh. Với sự thay đổi về cấu trúc và cách ra đề năm nay, việc hiểu rõ cách giải và chiến lược làm bài là yếu tố quyết định. Hãy cùng khám phá đáp án chính thức sát với cấu trúc đề thi mới để hoàn thiện kỹ năng và đạt kết quả cao nhất!

Đáp án của Đề thi HSG vật lí 12 năm học 2024 - 2025 (Đề tham khảo dựa theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Quảng Bình) - Vòng thi tự luận


Câu 1 . Dao động và sóng (1,0 điểm)

Sóng ngang truyền trên một sợi dây đàn hồi với tốc độ $v=32\ \text{cm/s}$. Hình vẽ dưới đây (Hình 1) biểu diễn một đoạn của sợi dây tại thời điểm $t_1$ theo một mô hình sóng hình sin lí tưởng, trong đó sóng truyền theo chiều dương dọc theo trục $Ox$ và các phần tử sợi dây dao động điều hòa theo phương $Ou$. Giả sử sợi dây đủ dài để không có sóng phản xạ trong phạm vi bài toán.

Câu 1 Đáp án của Đề thi tham khảo HSG vật lí 12 năm học 2024 - 2025
  • a) Tính tần số của sóng.

  • b) Tính tốc độ của phần tử sợi dây ở điểm M (phần tử M) tại thời điểm $t_1$.

  • c) Khi phần tử M của sợi dây ở li độ $u_\text{M}=1\ \text{cm}$ và đang đi theo chiều dương của trục $Ou$ thì phần tử N của sợi dây đang ở li độ bằng bao nhiêu?

  • d) Tính khoảng cách cực đại giữa hai phần tử M và N.

a) Tần số sóng
Từ đồ thị ta thấy bước sóng bằng $\lambda=16\ \text{cm}$, còn tốc độ truyền sóng đề bài đã cho $v=32\ \text{cm/s}$, ta tính được tần số \begin{align} f&=\frac{v}{\lambda}\\ &=\frac{32}{16}\\ &=2\ \text{Hz} \end{align} b) Tốc độ của phần tử sợi dây ở điểm M (phần tử M) tại thời điểm $t_1$.
Đây là sóng ngang, phương truyền sóng trùng với $Ox$, các phần tử dao động theo phương $Ou$, điểm cũng như các điểm khác, đang dao động điều hòa. Tại thời điểm $t_1$ (được mô tả bằng hình vẽ), điểm M đang đi qua vị trí cân bằng nên tốc độ nó cực đại \begin{align} v_\text{max}&=\omega A\\ &=2\pi f A\\ \end{align} Cùng trên đồ thị ta dễ thấy $A=2\ \text{cm}$, thay vào ta tính được \begin{align} v_\text{max}&=2\pi\cdot 2\cdot 2\\ &=8\pi\ \text{cm/s} \end{align} c) Tìm trạng thái điểm N khi biết trạng thái điểm M.
Từ đồ thị ta thấy M và N dao động lệch pha nhau $\frac{\pi}{2}$ (Khi M ở vị trí cân bằng thì N ở biên), M nhanh pha hơn N (sóng truyền từ M đến N). Để nhìn rõ trạng thái các điểm dao động điều hòa, ta dùng đường tròn pha:

Đáp án Câu 2 Đề thi HSG vật lí 12 năm học 2024 - 2025

Từ đường tròn pha ta suy ra khi M ở li độ 1 cm đang đi theo chiều dương thì N ở li độ $-\sqrt{3} \ \text{cm}$ và đang đi theo chiều dương.
d) Khoảng cách cực đại giữa M và N.
Hai điểm M và N nằm trong hệ tọa độ $xOu$, khoảng cách giữa chúng là \begin{align} d=\sqrt{\left(x_\text{M}-x_\text{N}\right)^2+\left(u_\text{M}-u_\text{N}\right)^2} \end{align} Trong đó $x_\text{N}-x_\text{M}=4\ \text{cm}$ (xem đồ thị), suy ra khoảng cách $d_\text{max}$ khi $\left(u_\text{M}-u_\text{N}\right)_\text{max}$. Hãy dùng đường tròn pha, ta thấy ngay $\left(u_\text{M}-u_\text{N}\right)_\text{max}$ khi M và N đối xứng nhau qua trục $Ox$.

Đáp án Câu 2 - ý d - Đề thi HSG vật lí 12 năm học 2024 - 2025

Khi đó $\left(u_\text{M}-u_\text{N}\right)_\text{max}=2\sqrt{2}\ \text{cm}$, và \begin{align} d_\text{max}&=\sqrt{4^2+\left(2\sqrt{2}\right)^2}\\ &=2\sqrt{6}\ \text{cm} \end{align} * Lưu ý: Ta có thể tính $\left(u_\text{M}-u_\text{N}\right)_\text{max}$ mà không cần đường tròn pha
Nếu phương trình dao động của M là $u_\text{M}=2\cos{\left(\omega t+\varphi\right)}\ \text{cm}$ thì phương trình dao động của N là $u_\text{N}=2\cos{\left(\omega t+\varphi-\frac{\pi}{2}\right)}\ \text{cm}$ (vì N chậm pha $\frac{\pi}{2}$ so với M). Dùng máy tính Casio có thể xác định được \begin{align} u_\text{M}-u_\text{N}=2\sqrt{2}\cos{\left(\omega t+\varphi+\frac{3\pi}{4}\right)}\ \text{cm} \end{align} Tức là $\left(u_\text{M}-u_\text{N}\right)_\text{max}=2\sqrt{2}\ \text{cm}$.

Câu 2 . Điện trường, Dòng điện - mạch điện (1,0 điểm).

Một tụ điện có điện dung $C=8\cdot 10^{-5}\ \text{F}$ được mắc nối tiếp với một điện trở có giá trị $R$ thay đổi được, một ampe kế rất nhạy, một công tắc và một bộ pin có suất điện động $ \mathscr{E}=18\ \text{V} $ như trong hình vẽ dưới đây (Hình 2).

Câu 2 Đề thi HSG vật lí 12 năm học 2024 - 2025
  • a) Ban đầu tụ điện chưa tích điện và công tắc chưa đóng. Đóng công tắc và giữ cho $R$ không đổi, chờ cho đến khi tụ điện tích điện ổn định. Hãy tính điện tích của tụ điện, năng lượng của tụ điện, công của nguồn điện thực hiện trong quá trình tích điện cho tụ điện và nhiệt năng tỏa ra trong mạch.

  • b) Ngắt công tắc và thay tụ điện bằng một tụ điện khác có điện dung $C'$. Khi đóng công tắc, điện trở $R$ được thay đổi từ từ sao cho dòng điện trong mạch không đổi $I=2\cdot 10^{−5}\ \text{A}$ trong thời gian $\Delta t=30\ \text{s}$. Trong thời gian này, hiệu điện thế giữa các bản của tụ điện tăng từ $0\ \text{V}$ lên $12\ \text{V}$. Điện dung $C'$ của tụ điện mới bằng bao nhiêu $\text{F}$?

a) Điện tích của tụ điện, năng lượng của tụ điện, công của nguồn điện thực hiện trong quá trình tích điện cho tụ điện và nhiệt năng tỏa ra trong mạch.
Khi mạch đã ở trạng thái ổn định, cường độ dòng điện trong mạch bằng không, điện áp trên điện trở bằng không, nên hiệu điện thế giữa hai bản tụ điện bằng suất điện động của nguồn \( \mathscr{E} \). Khi đó, các đại lượng được tính như sau: \begin{align} q&=C\mathscr{E}\\ &=8\cdot10^{-5}\cdot18\\ &=144\cdot10^{-5}\ \text{C} \end{align} \begin{align} W&=\frac{1}{2}C\mathscr{E}^2\\ &=\frac{1}{2}\cdot8\cdot10^{-5}\cdot18^2\\ &=12\text{,}96\cdot10^{-3}\ \text{J} \end{align} \begin{align} A_\text{ng}&=\mathscr{E}q\\ &=18\cdot144\cdot10^{-5}\\ &=25\text{,}92\cdot10^{-3}\ \text{J} \end{align} Công $A_\text{ng}$ mà nguồn thực hiện một phần tích năng lượng $W$ cho tụ điện, phần còn lại tỏa nhiệt \begin{align} Q&=A_\text{ng}-W\\ &=25\text{,}92\cdot10^{-3}-12\text{,}96\cdot10^{-3}\\ &=12\text{,}96\cdot10^{-3}\ \text{J} \end{align} b) Điện dung $C′$ của tụ điện mới.
Cường độ dòng điện trong mạch được tính bằng $$I=\frac{\Delta q}{\Delta t}=\frac{C'\Delta U}{\Delta t}\\ C'=\frac{I\Delta t}{\Delta U} $$ Thay số $I=2\cdot 10^{-5}\ \text{A}$, $\Delta U=12\ \text{V}$, $\Delta t=30\ \text{s}$, ta tính được $$C'=5\cdot10^{-5}\ \text{F}$$

Câu 3 . Vật lí nhiệt, Khí lí tưởng (2,0 điểm)

Hình 3 biểu diễn một quá trình kín (chu trình) 1-2-3-4-1 được thực hiện bởi một lượng khí lý tưởng xác định. Trong một chu trình, khí nhận nhiệt lượng $Q = 25\ \text{kJ}$ từ bộ gia nhiệt. Biết nhiệt độ ở các trạng thái 1 và 3 tương ứng là $T_1 = 300\ \text{K}$ và $T_3 = 4T_1$. Điểm 2, điểm 4 và điểm B nằm trên cùng một đường đẳng nhiệt. Đường thẳng nối các điểm 1, B và điểm 3 đi qua gốc tọa độ. Nội năng của chất khí được tính theo công thức $U = \frac{5}{2} nRT$, với $n$ là số mol khí, $R$ là hằng số khí, $T$ là nhiệt độ tuyệt đối của khí.

Câu 3 Đề thi HSG vật lí 12 năm học 2024 - 2025
  • a) Tính nhiệt độ ở các trạng thái 2, B và 4.

  • b) Tính số mol của lượng khí này.

  • c) Tính nhiệt độ của khí ở các trạng thái A và C.

  • d) Nhiệt lượng $Q_1$ mà khí nhận được từ thiết bị đun nóng trong một chu trình 2-3-4-A-B-C-2 là bao nhiêu?

a) Nhiệt độ ở các trạng thái 2, B và 4.
Nói đến nhiệt độ, bài toán cho $T_1$ và $T_3$, hỏi $T_2$ và $T_4$ (vì $T_2=T_4$ nên ta đặt chung là $T_{24}$. Ta phải liên hệ các trạng thái 2, 4 với 1, 3.
Các quá trình 1-2 và 3-4 là đẳng tích nên ta có $$\frac{p_1}{T_1} = \frac{p_2}{T_2}\\ \frac{p_3}{T_3} = \frac{p_4}{T_4};$$ Trong khi đó $p_2 = p_3$, $p_1 = p_4$ và $T_2 = T_4=T_{24}$, sau khi biến đổi ta được $$ \frac{p_1}{p_2} = \frac{T_1}{T_2} = \frac{T_2}{T_3}.\\ T_2=T_4 = \sqrt{T_1 T_3} = 2T_1=600\ \text{K}. $$ b) Số mol khí.
Bây giờ ta phải dựa vào nhiệt lượng thu vào của khí trong quá trình 1-2-3-4-1. Chúng ta chú ý, $Q$ là nhiệt lượng thu vào của quá trình. Vậy nhiệt lượng thu vào là nhiệt lượng của những quá trình nào?
+ Quá trình 1-2 đẳng tích nên công bằng không, áp suất tăng nên nhiệt độ tăng dẫn đến độ biến thiên nội năng dương. Áp dụng định luật I thì nhiệt lượng bằng độ biến thiên nội năng nên nhiệt lượng dương, đây là quá trình thu nhiệt.
+ Quá trình 2-3 đẳng áp thể tích tăng nên công âm, nhiệt độ tăng nên độ biến thiên nội năng dương và tất nhiên nhiệt lượng dươn. Đây cũng là quá trình thu nhiệt. Các quá trình 3-4 và 4-1 hoàn toàn ngược lại với 1-2 và 2-3, tức là hai quá trình cuối tỏa nhiệt.
Tóm lại \begin{align} Q&=Q_{12}+Q_{23}\\ &=\Delta U_{12}+\Delta U_{23}-A_{23}\\ &=\frac{5}{2}nR\left(T_2-T_1\right)+\frac{5}{2}nR\left(T_3-T_2\right)-nR\left(T_2-T_3\right)\\ &=\frac{19}{2}nRT_1 \end{align} Suy ra \begin{align} n&=\frac{2Q}{19RT_1}\\ &=\frac{2\cdot25000}{19\cdot8\text{,}31\cdot 300}\\ &=1\text{,}056\ \text{mol} \end{align} c) Nhiệt độ của khí ở các trạng thái A và C.
Các điểm 1 và B nằm trên đường thẳng đi qua gốc tọa độ nên ta có $$p_1 V_B = p_B V_1.$$ Vì $V_\text{A}=V_\text{B}$ và $p_B = p_C$, ta thu được phương trình $$p_1 V_A = p_C V_1,$$ đây là định luật Boyle-Mariotte, và do đó $T_A = T_C$,(vì các điểm A và C nằm trên cùng một đường đẳng nhiệt), và $T_B = T_2 = 2T_1$, ta có thể viết \begin{align} T_\text{A} &= T_\text{C} = \sqrt{T_1 T_B}\\ &= T_1 \sqrt{2}\\ &=300 \sqrt{2}\ \text{K} \end{align} c) Nhiệt lượng $Q_1$ mà khí nhận được từ thiết bị đun nóng trong một chu trình 2-3-4-A-B-C-2.
Vẫn là nhiệt lượng thu vào, nó được tính \begin{align} Q_1& = Q - Q_{1C} + Q_{AB} \\ &= Q - \frac{5}{2}nR (T_C - T_1) + \frac{5}{2}nR (T_B - T_A)\\ &=26\ \text{kJ} \end{align}

Câu 4 . Từ trường (2,0 điểm)

Hình 4.a mô tả một khung dây dẫn hình chữ nhật cạnh $H=1\text{,}5\ \text{cm}$, $D=2\text{,}5\ \text{cm}$, có điện trở $R=0\text{,}020\ \Omega$, được kéo với tốc độ không đổi $v =40\ \text{cm/s}$ qua hai vùng từ trường đều. Hình 4.b biểu diễn sự phụ thuộc của cường độ dòng điện cảm ứng $i$ trong khung dây như một hàm của vị trí $x$ của cạnh bên phải của vòng dây. Chiều dương của dòng điện trong khung dây được quy ước cùng chiều kim đồng hồ.

Câu 4 Đề thi HSG vật lí 12 năm học 2024 - 2025
  • a) Xác định độ lớn và hướng (vào hoặc ra khỏi mặt phẳng hình vẽ) của cảm ứng từ trong vùng 1.

  • b) Xác định độ lớn và hướng (vào hoặc ra khỏi mặt phẳng hình vẽ) của cảm ứng từ trong vùng 2.

Sử dụng định luật Ohm, chúng ta liên hệ dòng điện cảm ứng với suất điện động cảm ứng (giá trị tuyệt đối của) theo định luật Faraday: $$i = \frac{|\mathcal{E}|}{R} = \frac{1}{R} \left|\frac{\Delta\Phi}{\Delta t}\right|$$ Khi vòng dây đang đi qua ranh giới giữa vùng 1 và vùng 2 (sao cho một phần chiều dài “$x$” của nó nằm trong vùng 2, còn phần chiều dài “$D - x$” nằm trong vùng 1), từ thông được tính: \begin{align} \Phi_B &= xHB_2 + (D - x)HB_1\\ &= DHB_1 + xH(B_2 - B_1) \end{align} Dẫn đến: \begin{align} \frac{\Delta\Phi_B}{\Delta t} &= \frac{\Delta x}{\Delta t}H(B_2 - B_1) \\ &= vH(B_2 - B_1) \end{align} $$\Rightarrow i = \frac{vH(B_2 - B_1)}{R}$$ Lập luận tương tự cũng áp dụng (thay $B_1$ bằng 0 và $B_2$ bằng $B_1$) đối với vòng dây ban đầu đi từ vùng không có từ trường (ở bên trái Hình 4-a) vào vùng 1.
a) Trong trường hợp sau, theo Hình 4-b, ta có:
$$3.0 \times 10^{-6}= \frac{(0.40\cdot0.015B_1}{0.020}\\ B_1 = 10 \, \mu \text{T}. $$ Dựa trên định luật Lenz, chúng ta đi đến kết luận rằng hướng của từ trường trong vùng 1 là hướng ra khỏi mặt phẳng giấy. b) Tương tự, với $i = \frac{vH(B_2 - B_1)}{R}$, ta tính được
$$B_2 = 3.3 \, \mu\text{T}.$$ Hướng của $\vec{B}_2$ là ra khỏi mặt phẳng giấy.


Nguyễn Đình Tấn - Giáo viên vật lý - Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp - Quảng Bình

#ĐềHSGlý12năm2025,#ĐềHSGlý12năm20242025,#ĐềHSGlý12mới